Nghịch lý của cuộc sống là có những người làm ít tiền nhưng vẫn đủ xài, còn có người làm ra nhiều bao nhiêu cũng không đủ chi tiêu. Chúng ta thường đổ lỗi, mình có nhiều khoản phải chi cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ nên không thể nào dư được. Vậy, anh em đã từng suy xét đến những khoản chi tiêu đó đã hợp lý hay chưa? Đừng nghĩ phụ nữ chi tiêu cá nhân nhiều hơn chúng ta, anh em hãy tự nhìn nhận lại đi. Trong cuộc sống có những mối quan hệ khiến tiền của chúng ta ra đi nhiều hơn.
Kiểu bạn bè lợi dụng nhau
Bản tính của đàn ông là hào phóng và coi trọng bạn bè, nên khi anh em gặp khó khăn, chúng ta luôn sẵn sàng giúp đỡ (nếu có). Tuy nhiên, cần phải rõ ràng và tỉnh táo với những người thực sự gặp khó khăn và thể loại lợi dụng. Tai hại hơn, sẽ có trường hợp anh em biết bạn bè của mình chẳng gặp khó khăn gì sất, chủ yếu mượn tiền bạc để làm những thứ họ thích thôi. Mặc dù cũng chẳng dư dả gì nhưng sẵn thích được tiếng hào phóng, biết giúp đỡ bạn bè, anh em vẫn cứ sẵn lòng giúp đỡ. Đây là điều phải tránh. Đàn ông chúng ta hay sợ bị coi là keo kiệt, nhưng trong trường hợp này thì anh em có quyền từ chối sự hào phóng với những người như thế. Nên nhớ, sử dụng tiền hợp lý cũng là một cách thể hiện sự bản lĩnh của đàn ông.
Nhóm người thích chơi sang, thể hiện đẳng cấp
Đây có thể liệt kê vào nhóm bạn có ảnh hưởng tiêu cực nhất đối với anh em. Nhiều người trong chúng ta đã chi tiêu vượt mức thu nhập của mình bởi những nhóm bạn như thế này. Lương tháng 8 triệu nhưng tiền ăn chơi với bạn bè đã hết hơn 2/3. Họ thường xuyên rủ anh em đến những nơi tiêu tốn nhiều tiền như quán bar, nhà hàng sang trọng, những buổi trình diễn hoành tráng… giống như để dạy chúng ta cách tiêu tiền bằng việc hưởng thụ cuộc sống vậy. Mỗi người có một quan điểm sống khác nhau và đẳng cấp khác nhau. Sự trải nghiệm cái mới cũng giống như một sự học hỏi vậy. Anh em có thể chi tiền cho nó, nhưng thử nghĩ xem, chúng ta phải chi bao nhiêu và nó có xứng đáng để chi ra hay không với mức thu nhập hiện có của mình. Anh em có chắc mình muốn nhậu một bữa 2 triệu với đồng lương 5 triệu chứ?
Những người thân trong gia đình lúc nào cũng dựa dẫm bạn
Làm thế nào để từ chối các mối quan hệ gia đình đây là một điều khó. Đó là lý do vì sao đàn ông châu Á áp lực hơn đàn ông phương Tây rất nhiều. Nhưng anh em cũng cần làm rõ, mình phải chi cho gia đình bao nhiêu trên tổng thu nhập hiện có. Vì chúng ta cũng cần phải trang trải cho những nhu cầu khác của cuộc sống, nên việc xác định rõ như vậy sẽ giúp anh em không bị áp lực. Anh em có thể tham khảo thêm quy luật 6 chiếc hũ. Trong đó nhu cầu thiết yếu chiếm đến 55%, còn lại hưởng thụ, cho gia đình, đầu tư học hành… chỉ chiếm khoảng 10% mà thôi. Nếu anh em chi cho nhu cầu nào nhiều hơn thì các nhu cầu khác phải ít lại thôi.
Người mà anh em theo đuổi hoặc ngưỡng mộ
Đàn ông có tham vọng làm giàu rất lớn, điều đó ai cũng biết. Mà con đường đi đến thành công ngắn nhất là học hỏi từ những người đã thành công. Không ít anh em nghĩ “muốn thành công, hãy sống như những người thành công”. Đó là học hỏi họ từ cách họ sống như thế nào, tiêu tiền ra làm sao, ăn chơi ở đâu… và vô hình chung biến thành kẻ tiêu tiền vô tội vạ. Vì rõ ràng giữa hai người là hai đẳng cấp khác nhau thì chúng ta không thể tiêu tiền giống họ được. Mà anh em cũng quên một điều, trước khi họ đạt đến thành công để sống như một người giàu có thì họ cũng đã trải qua những giai đoạn khó khăn như chúng ta.
Anh em đã tiêu bao nhiêu cho việc hẹn hò? Đàn ông thường không để ý đến mấy chuyện này vì không muốn bị cho là ích kỷ. Chính vì thế có những khoản chi tiêu không hợp lý, để rồi trách ngược lại “hẹn hò tốn kém quá”. Đó là lỗi do chúng ta. Hãy lên kế hoạch để có những buổi hẹn ý nghĩa mà ít tốn kém. Đó cũng là cách anh em thể hiện một tình yêu chân thật đấy – sống đúng với những gì mình có.
Có thể rất khó để gia đình hay bạn bè thông cảm cho điều này, nên anh em cần nói chuyện thẳng thắn. Nếu vẫn không cảm thấy thoải mái hoặc không tìm được tiếng nói chung, tôi nghĩ cách tốt nhất là nên tránh xa những nhóm người như trên.